Phần lớn phụ nữ Nhật muốn kết hôn nhưng họ không tìm được người sẵn sàng chia sẻ việc nhà với mình.
Seiko là một phóng viên 35 tuổi sống ở Tokyo. Cô đang ở độ tuổi mà người Nhật gọi là “Mì năm mới”. Người Nhật có phong tục ăn mì đón năm mới vào đêm giao thừa. Và họ xem một phụ nữ quá 31 tuổi là bị ế giống như việc không ai muốn ăn mì sau ngày 31.
Song, quan niệm trên có lẽ cần phải xem lại, khi mà người Nhật đang ngày càng kết hôn muộn hơn hoặc thích sống độc thân cả đời. Kể từ năm 1970, độ tuổi kết hôn trung bình của đàn ông và phụ nữ Nhật đã tăng tương ứng 4,2 năm và 5,2 năm lên 31,1 tuổi và 29,4 tuổi. Tỷ lệ người Nhật trên 50 tuổi chưa từng kết hôn tăng từ 5% vào năm 1970 lên 16% vào năm 2010.
Lý do khiến người Nhật không mặn mà với hôn nhân cũng giống như ở nhiều nước phát triển khác. Phụ nữ có học thức cao hơn, muốn theo đuổi sự nghiệp, có thể tự chủ tài chính và không xem gia đình truyền thống là cách duy nhất để có một cuộc sống viên mãn.
Tuy nhiên, có một số khác biệt ở Nhật. Các cặp đôi được kỳ vọng sinh con ngay sau khi kết hôn. Vì thế, những phụ nữ muốn trì hoãn việc sinh đẻ có xu hướng trì hoãn việc kết hôn. Dẫu vậy, phần lớn người Nhật vẫn muốn kết hôn. Theo một khảo sát năm 2010 của Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản, 86% đàn ông và 89% phụ nữ nước này muốn kết hôn.
Kinh tế là rào cản chính khiến người Nhật không kết hôn. Phụ nữ muốn tìm đàn ông có nền tảng tài chính ổn định. Đàn ông cũng muốn có sự nghiệp vững vàng rồi mới kết hôn. Tuy nhiên, không dễ để họ đạt được điều đó trong bối cảnh nền kinh tế Nhật vẫn chìm trong suy thoái.
Số người trẻ ở Nhật làm công việc thời vụ hoặc bán thời gian đang ngày một nhiều. “Tôi không muốn vợ con mình khổ vì không có tiền”, Junki Igata, tu nghiệp sinh 24 tuổi của một chuỗi khách sạn quốc tế nói. Anh cho biết mình sẽ trì hoãn việc kết hôn cho đến giữa năm 30 hoặc đầu 40 tuổi. Đàn ông làm việc bán thời gian có xu hướng ít kết hôn hơn so với người làm việc toàn thời gian.
Phụ nữ Nhật thì lại đang trải qua tình cảnh ngược lại. Phụ nữ làm việc toàn thời gian ít kết hôn hơn so với phụ nữ làm việc bán thời gian. Vấn đề là phụ nữ Nhật không chấp nhận quan điểm truyền thống về trách nhiệm trong hôn nhân. Truyền thống cũ khiến phụ nữ Nhật khó cân bằng được sự nghiệp và việc chăm sóc con cái.
Người chồng thường muốn vợ bỏ việc để ở nhà làm nội trợ. Bạn trai của Seiko từng yêu cầu cô làm như thế chỉ sau ba tháng quen nhau, nhưng cô đã thẳng thừng từ chối. Ngoài ra, gánh nặng việc nhà thường đổ hết lên đầu phụ nữ trong các gia đình Nhật. Tính trung bình, đàn ông Nhật chỉ làm việc nhà và chăm sóc con cái trong 1 tiếng 7 phút mỗi ngày. Trong khi đó, con số này ở Mỹ là khoảng 3 tiếng và ở Pháp là hai tiếng rưỡi.
Việc tìm đối tượng kết hôn đang trở nên khó khăn hơn với người Nhật. Cái thời mà người ta tìm kiếm vợ chồng qua mai mối đang dần chấm dứt. Sinh viên đại học dành phần lớn thời gian rảnh cho hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ. Họ muốn có thêm lợi thế trên thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt của Nhật. Người lao động thì phải làm việc cật lực trong nhiều giờ liền. Đàn ông Nhật đang trở nên nhút nhát hoặc lười biếng hơn trong việc tìm kiếm bạn đời tiềm năng.
Người Nhật cũng kén cá chọn canh hơn. Takako Okiie, nhân viên của Partner Agent, một công ty mai mối ở Nhật cho biết, khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Họ thường muốn một bạn đời hoàn hảo hoặc ít nhất là phải có “ba ổn”: thu nhập ổn, bề ngoài ổn, học thức ổn.
Việc thanh niên Nhật Bản không chịu kết hôn là lý do tại sao tỷ lệ sinh của nước này đang lao dốc không phanh. Tính trung bình, số con một phụ nữ Nhật có trong suốt cuộc đời đã giảm từ 2,13 vào năm 1970 xuống 1,42 vào hiện nay.
Số người độc thân sống cùng cha mẹ hoặc cách ly với xã hội cũng đang tăng mạnh. Các hội nhóm và cộng đồng giúp người trẻ hòa nhập với xã hội đang suy yếu ở Nhật Bản. “Tôi không biết họ sẽ sống ra sao sau khi cha mẹ qua đời”, Masahiro Yamada, nhà xã hội học của đại học Chuo nói. Ông đã đặt ra thuật ngữ “độc thân ký sinh” để nói về những người sống với cha mẹ cả đời mà không kết hôn.
Số người độc thân không có bạn trai hoặc bạn gái cũng ngày càng nhiều. Yamada cho biết, họ không kết hôn hoặc hẹn hò vì có nhiều cách để thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Thay vì các mối quan hệ tình cảm, họ có các lựa chọn khác như mua dâm, chơi game người yêu ảo, hâm mộ thần tượng, xem phim khiêu dâm hoặc nuôi thú cưng.
Thủ tướng Shinzo Abe là người lo lắng hơn ai hết với tình trạng trên. Chính phủ của ông muốn phụ nữ đẻ nhiều hơn để vực dậy nền dân số đang lao dốc không phanh của Nhật. Ông cũng muốn người dân hiểu rằng, kết hôn là nền tảng của cuộc sống gia đình.
Chính phủ Nhật đã trợ cấp cho các thành phố để tổ chức nhiều sự kiện hẹn hò và xây nhiều trường mẫu giáo hơn. Dù vậy, những nỗ lực của chính phủ cũng chỉ có giới hạn. Chính đàn ông và phụ nữ Nhật mới là những người quyết định họ sẽ kết hôn hay sống độc thân cả đời.
Nam Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ/The Economist
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét