Sáng 5.9, rất nhiều ông bố, bà mẹ vui mừng, tất bật đưa con mình đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, đối với nhiều cặp vợ chồng là công nhân (CN), họ không có được hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy khi phải xa con. Bên cạnh đó, với đồng lương eo hẹp của mình, họ cũng rất lo lắng trước các khoản tiền đóng góp khá lớn vào đầu năm học mới.
Sáng 5.9, rất nhiều ông bố, bà mẹ vui mừng, tất bật đưa con mình đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, đối với nhiều cặp vợ chồng là công nhân (CN), họ không có được hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy khi phải xa con. Bên cạnh đó, với đồng lương eo hẹp của mình, họ cũng rất lo lắng trước các khoản tiền đóng góp khá lớn vào đầu năm học mới.
Ông bà đưa cháu đến trường thay bố mẹ
Chị Hoàng Thị Yến (quê Nghệ An - CN tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh) vì mưu sinh, gia đình chị bị “xé lẻ”. Chồng chị làm xây dựng ở tỉnh Bắc Kạn, chị làm CN ở Bắc Ninh, còn hai con, 1 cháu 10 tuổi, 1 cháu 2 tuổi ở Nghệ An cùng với ông bà nội. Năm nay, cháu lớn vào học lớp 5; còn cháu nhỏ đi học mẫu giáo.
Sáng 5.9, trong khi rất nhiều các ông bố, bà mẹ khác bận rộn đưa các con mình đi dự khai giảng, thì chị đang phải ngủ vùi để lấy lại sức trong căn phòng trọ chật chội, nóng bức. “Vừa rồi, tôi về quê nghỉ lễ Quốc khánh, mới lên đây từ chiều hôm qua. Người mệt mỏi rã rời sau một hành trình dài với xe cộ nhồi nhét, tôi đã phải đi làm ngay từ tối hôm qua, nên sáng nay chỉ kịp ăn sáng một chút rồi lăn ra ngủ” - chị tâm sự. Khỏi phải nói, chị Yến buồn bã như thế nào khi không được cầm tay con đưa đến trường trong cái ngày rất quan trọng này của con. Chị Yến nói, do Cty làm kíp nên chị không thể xin nghỉ thêm một ngày nối vào dịp nghỉ lễ, nhưng may sao cũng có ông bà đưa cháu đến trường giúp.
Anh Cầm Văn Nhâm - CN Cty Đệ Nhất (tỉnh Hải Dương) - cho biết, vợ chồng anh vừa có mấy ngày nghỉ lễ cùng con ở quê (tỉnh Sơn La) nhưng đúng hôm nay là ngày khai giảng của các con thì vợ chồng anh lại phải trở lại nơi làm việc (vợ anh làm ở một Cty may cũng ở Hải Dương). Cháu lớn của vợ chồng anh chị năm nay lên lớp 5, cháu bé lên lớp 2… “Ngần ấy năm học, chưa lần nào các cháu được bố mẹ đưa đi khai giảng vì cả hai vợ chồng tôi đều phải đi làm xa. Nhiều lúc nghĩ thương con đứt ruột, nhưng chưa biết có cách nào khác để giải quyết, bởi nếu ở nhà với con thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn, có khi lại chả có điều kiện cho con đến lớp cũng nên.
Sau khai giảng là... lo đóng học phí
Bên cạnh những cặp vợ chồng phải xa con, vẫn có những cặp vợ chồng khác có hạnh phúc giản dị là được gần con trong ngày quan trọng này.
Chị Hà Thị Phương Anh - CB nghiệp vụ Cty May liên doanh Plummy (đóng tại Khu tái định cư Hòa Phú, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) - cho hay, vì quê tận Hòa Bình nên vợ chồng chị thuê nhà trọ ở gần Cty; may mắn là con gái học lớp 2 học trường gần nhà trọ nên anh chị tiện việc chăm sóc, đưa đón. Từ sáng sớm 5.9, chị đã đánh thức con dậy chuẩn bị để đến trường. Con gái háo hức lắm, không đợi mẹ giúp, đánh răng xong tự mặc đồng phục, đi giày, lật đi lật lại cờ hoa và giục mẹ chở bằng xe máy tới trường. Vì bận trở lại Cty làm việc, chị không thể ở lại xem lễ khai giảng, nhưng con gái chị thì vui vẻ giục mẹ đi làm kẻo trễ giờ. “Nhìn gương mặt háo hức, tươi vui của con, tôi biết con tôi đang mong nhanh đến thời khắc của buổi lễ khai giảng long trọng đầu năm học mới” - chị xúc động cho biết. Tuy vậy, sự háo hức trên cũng không che lấp được nỗi lo lắng về các khoản đóng góp cho năm học mới. “Năm nay, ngoài đóng tiền đồng phục và sách giáo khoa cho con hết 270.000 đồng, tôi cũng chưa biết đóng tiền học phí và các khoản khác cho con ra sao. Nhưng chuyện đó để sau, ngày khai trường thấy con hớn hở là tôi cảm thấy vui lắm rồi” - chị Phương Anh chia sẻ.
Cũng giống như chị Phương Anh, phải sau khai giảng, anh Cầm Văn Nhâm mới biết các khoản phải đóng góp cho nhà trường là bao nhiêu. “Nhưng cứ đến thời gian này là chúng tôi phải chuẩn bị cho 2 cháu khoảng 4-5 triệu để mua sắm, đóng tiền học và các khoản khác, bởi năm ngoái dịp này mỗi cháu cũng phải đóng gần 2 triệu… Chúng tôi cũng đang tính, có lẽ chỉ cố một hai năm nữa thôi, tôi hoặc vợ phải ở nhà để chăm sóc cho việc học hành của các con, không thể để tình trạng này kéo dài mãi được vì ông bà cháu cũng già rồi, lại cũng phải vất vả làm ruộng, vườn, không sát sao, kèm cặp các cháu được…” - anh Nhâm cho biết thêm.
Theo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét